» » Sự khác biệt trong tư duy về tiền bạc của người giàu

Sự khác biệt trong tư duy về tiền bạc của người giàu

Bạn có thể lọt vào top 1% những người giàu nhất thế giới nếu có khối tài sản thừa kế khổng lồ, hoặc có một công việc lương khủng. Tuy nhiên, nếu bạn không may mắn đến vậy và nằm trong 99% còn lại thì đừng buồn, vì có một thứ có thể giúp bạn vô lo vô nghĩ về tiền bạc, đó chính là thói quen dùng tiền.

Sự khác biệt trong tư duy về tiền bạc của người giàu

David Blaylock, một chuyên gia đến từ nhóm tư vấn tài chính LearnVest từng cho biết, nếu bạn ước tính được tổng số tiền sẽ kiếm được trong suốt cuộc đời mình, bạn sẽ tính được mình mất bao nhiêu năm làm việc để tạo ra số tiền đó. Hầu hết mọi người đều có thể kiếm được 1 triệu đô la trong suốt cuộc đời, nhưng chỉ vài người có thể trở thành triệu phú. Đây chính là sự khác biệt trong thói quen chi tiêu và tiết kiệm!

1. Đảo ngược tư duy

Hầu hết mọi người tiêu tiền, thanh toán các hóa đơn và tiết kiệm số tiền còn lại. Tuy nhiên, đó là cách làm ngược. Trái lại, bạn nên tiết kiệm cho các mục tiêu tài chính trước, thanh toán các hóa đơn và sau đó cân nhắc tiêu số tiền còn lại.

Tất nhiên, bạn không cần cất đi toàn bộ số tiền của bạn và chỉ sống bằng bánh gạo. "Tôi không bảo bạn cất đi 1.000 đô la mỗi tháng, tôi chỉ khuyên bạn nên để dành 50 đô la hoặc một số tiền nhỏ hơn mà bạn có thể dành dụm từ đồng lương của mình. Chúng ta không nên đánh giá thấp sức mạnh của những khởi đầu nhỏ, vì khi động lực đã có và khi thấy sự tiến bộ, chúng ta sẽ có xu hướng lặp lại hành vi", David Blaylock nói.

2. Lập kế hoạch về tài chính rõ ràng

Để tiết kiệm cho tương lai, các chuyên gia tài chính thường gợi ý bạn lập kế hoạch 5 năm, tạo ra các mục tiêu tiền bạc cụ thể mà bạn muốn đạt được trong 5 năm và những việc bạn cần làm để đạt được các mục tiêu đó.

"Bất cứ khi nào chúng ta có một mục tiêu cụ thể trong đầu thì nó sẽ giúp chúng ta tiết kiệm. Không quan trọng mục tiêu đó là tiết kiệm cho các trường hợp khẩn cấp, tiết kiệm cho một chuyến du lịch hay tiết kiệm để học đại học" - Blaylock chia sẻ.

Năm mới đã bắt đầu, hãy lập kế hoạch và tiết kiệm từ ngay hôm nay.

3. Tự tạo ra một nguyên tắc chi tiêu riêng và tuân thủ theo nó

Những mục tiêu mà chúng ta tạo ra cho bản thân, chẳng hạn như không tiêu quá 15 đô cho một món quần áo của em bé hoặc hơn 50 đô la cho một đôi giày có thể giúp đơn giản hóa nhiều sự lựa chọn của chúng ta mỗi ngày.

Blaylock gợi ý bạn nên bắt đầu bằng những suy nghĩ đơn giản như "đi ăn bên ngoài hai lần một tuần" hoặc "không đổi điện thoại trong vòng 2 năm".

4. Sống như một người giàu "ngầm"

Nhiều người cho rằng hình ảnh các triệu phú thường gắn liền với những biệt thự hoành tráng và những chiếc siêu xe Bentley đắt tiền. Nhưng trên thực tế, hầu hết các triệu phú có lối sống khá giản dị, họ đôi lúc còn sống dưới mức trung bình và tiết kiệm nhiều hơn chi tiêu.

Với việc để 90% thu nhập vào việc tiết kiệm và đầu tư, Sapper cho biết anh có thể nghỉ hưu sớm. Lời khuyên của anh là gì? "Hãy tìm ra một mức chi tiêu mà bạn có được những thứ bạn cần và khiến bạn cảm thấy vui vẻ thoải mái. Sau đó, hãy chỉ chi tiêu ở mức đó".

5. Chuẩn bị cho việc nghỉ hưu sớm

Nếu bạn đang ở độ tuổi 20 hoặc 30, việc nghỉ hưu có vẻ còn quá xa vời và việc tiết kiệm cho nó càng không phải là một ưu tiên. Tuy nhiên, bạn càng sớm cất tiền đi, thì càng có thêm thời gian để số tiền đó gia tăng và cho lãi suất kép.

Với cách tính lãi suất kép, Blaylock cho biết, nếu bạn đang ở độ tuổi 30 và để dành 50 đô la mỗi tháng cho tài khoản hưu trí với mức lãi suất 7%, thì số tiền 50 đô la/tháng sẽ biến thành 56.000 đô la sau 30 năm. Nếu bạn chờ tới tuổi 40 mới để dành thì bạn sẽ phải để dành 110 đô la/tháng để đạt được mục tiêu như trên.

6. Biết các dòng tiền vào và ra

Hầu hết mọi người không theo dõi thu nhập và việc chi tiêu của họ. Nếu bạn không biết rõ số tiền vào và ra khỏi tài khoản ngân hàng của mình thì bạn sẽ không biết mình cần dành ra bao nhiêu để phục vụ cho các mục tiêu.

"Nếu bạn không biết tháng vừa qua mình đã chi bao nhiêu tiền để thanh toán hóa đơn điện thoại, bao nhiêu tiền cho việc ăn ngoài nhà hàng thì làm sao bạn có thể thay đổi thói quen chi tiêu. Bạn phải trở thành giám đốc tài chính của chính mình" – Blaylock nói.

7. Thoát khỏi nợ nần

Ai cũng có nợ nần ở một số thời điểm trong cuộc đời. Nhưng nếu bạn có những khoản nợ xấu - không phải là các khoản vay và thế chấp dành cho sinh viên mà là nợ thẻ tín dụng và bạn phải trả mức lãi suất cao hàng tháng - thì việc thanh toán và loại bỏ thói quen trở thành con nợ cần phải là ưu tiên số 1.

Blaylock khuyên bạn nên để một nửa số tiền bạn có để trả nợ dần vào quỹ tiết kiệm phòng trường hợp khẩn cấp. Nợ thẻ tín dụng là kết quả của những lúc cao hứng. Chúng ta vẫn chưa có khoản tiết kiệm nào vì đã đặt tất cả vào thẻ tín dụng. Bạn nên cân nhắc để một số tiền tương ứng vào quỹ khẩn cấp.

8. Gia tăng thu nhập

Có hai cách gia tăng thu nhập: chi tiêu ít hoặc tiết kiệm nhiều hơn. Trong đó, chi tiêu ít hơn chỉ là một phần của làm giàu. Bạn phải tiết kiệm và vào lúc thích hợp hãy đầu tư phần còn lại. Kiếm được nhiều tiền hơn thường không dẫn tới việc thu nhập cao hơn vì chi phí cho lối sống cũng gia tăng theo.

Ngoài việc được tăng lương hoặc trúng số, có vài cách để bạn có thêm tiền. Một gợi ý là đa dạng các dòng thu nhập của bạn bằng cách làm việc bán thời gian, làm thêm một công việc thứ hai, làm công việc mà bạn yêu thích. Bạn cũng có thể tìm kiếm các cơ hội đầu tư với sự giúp đỡ của một chuyên gia hoạch định tài chính.

9. Tham vấn chuyên gia

Có những thời điểm trong cuộc sống, việc tham vấn một chuyên gia sẽ đem lại lợi ích rõ rệt, giúp bạn đi đúng hướng và thấy được bức tranh lớn.

Blaylock cho rằng: "Chúng ta thường để cảm xúc chi phối quá nhiều trong các vấn đề liên quan tới tài chính để có thể đưa ra những quyết định sáng suốt. Vì thế, điều bạn mong đợi khi có một chuyên gia là sự tín nhiệm và quan điểm bên ngoài với những việc bạn đang làm. Các chuyên gia sẽ xem xét vấn đề tài chính của bạn một cách khách quan, còn bạn không thể làm được như vậy vì bạn là người trong cuộc".

Theo Trí Thức Trẻ